Thẻ ETC ra đời nhằm mang lại sự thuận lợi cho người đi ô tô. Tuy nhiên, dù tiện lợi nhưng thẻ ETC vẫn còn một số điểm bất cập và khá nhiều lỗi trong quá trình sử dụng và vận hành. Dưới đây là những lưu ý giúp bạn hiểu hơn trước khi dán thẻ thu phí không dừng.
Trên thị trường có các loại thẻ thu phí không dừng ETC nào?
Hiện trên thị trường có hai đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng là VETC (do Tasco góp vốn) và VDTC (thuộc Viettel). Hai đơn vị này sẽ quản lý các trạm thu phí không dừng và phát hành thẻ để dán trên ôtô. Hiện VETC quản lý 79 trạm, VDTC quản lý 35 trạm. Thẻ do VETC phát hành mang tên Etag, và thẻ của VDTC là ePass, cả hai đều có tác dụng như nhau.
Dán thẻ thu phí không dừng ở đâu?
Hiện tại, các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng đang triển khai việc dán thẻ thu phí tự động không dừng cho ôtô. Chủ xe muốn dán có thể lựa chọn và liên hệ với đơn vị phát hành. Trong đó với thẻ ePass do Viettel cung cấp, chủ xe có thể đến các cửa hàng trong hệ thống Viettel Store để liên hệ và được hỗ trợ dán thẻ. Với thẻ eTag của VETC cung cấp, chủ xe có thể đến các trung tâm đăng kiểm, hoặc khi đi qua các trạm thu phí, nhân viên tại trạm sẽ liên hệ để dán cho chủ xe.
Dán thẻ ở vị trí nào để không bị lỗi?
Thông thường, thẻ định danh ETC sẽ được dán ở kính lái (trước ghế phụ) hoặc "mí" trên của chóa đèn pha. Vị trí dán thẻ cũng là một trong những nguyên nhân khiến thẻ không được nhận diện khi đi qua trạm BOT. Do đó, các chủ xe cần cân nhắc vị trí dán thích hợp cho xe của mình.
Dán ở mặt trong của kính lái
Vị trí này sẽ giúp thẻ bền hơn, tránh được các tác động của mưa gió, nắng, cát, bụi bẩn,... Tuy nhiên, nhiều người dùng cho hay, vị trí này sẽ khó nhận diện hơn, đặc biệt nếu xe có dán phim cách nhiệt. Nếu dán thẻ định danh ETC ở ngoài mặt của kính thì dễ nhận diện hơn, nhưng sẽ nhanh hỏng, bị trầy xước,... dẫn đến tình trạng hệ thống không nhận và báo lỗi khi xe đi qua trạm BOT.
Cách dán ở mặt trong của kính lái chỉ áp dụng được khi xe không dán phim cách nhiệt hoặc loại dán không phải kim loại. Để kiểm tra độ nhạy của thẻ, nhân viên dán sẽ dùng thiết bị để đo đạc cẩn thận. Nếu kính lái ô tô có dán phim cách nhiệt thì hệ thống đầu đọc sẽ không quét được thông tin trên thẻ nên bạn sẽ phải chọn cách dán trên đèn xe. Ngoài ra, thẻ đã dán thì không thể bóc ra dán lại bởi làm thế sẽ ảnh hưởng đến chip của thẻ làm máy đọc không nhận diện được.
Dán ở "mí" đèn pha
Vị trí này sẽ giúp kính lái thông thoáng, không cản trở tầm nhìn của lái xe. Đồng thời, độ nhạy của thẻ khi dán ở vị trí này cũng được đánh giá là tốt hơn. Tuy nhiên, khi dán ở vị trí này, thẻ dễ bị bong ra do tác động của thời tiết và cả nhiệt độ từ đèn. Chưa kể đến việc nếu xảy ra va chạm hoặc lúc rửa xe, thẻ cũng có thể bị rơi ra lúc nào không hay.
Lời khuyên là không nên dán thẻ ETC ở phía bên ngoài. Nếu thẻ bị hỏng hoặc mất thì bạn sẽ phải dán lại, mà mỗi lần dán lại sẽ tốn thêm 120.000 đồng.
Lưu ý quan trọng khi sử dụng thẻ thu phí không dừng ETC
- Hãy thường xuyên kiểm tra tài khoản của mình để tránh trường hợp trong thẻ hết sạch tiền khi đi qua trạm thu phí điện tử không dừng.
- Mỗi một phương tiện chỉ được đăng ký một loại dịch vụ thu phí không dừng là VETC hoặc ePass. Nếu muốn chuyển từ VETC sang ePass thì bạn phải hủy thẻ VETC trước rồi mới thực hiện đăng ký dùng thẻ ePass và ngược lại.